Thông tin được GS.TS.BS Mai Hồng Bàng,ạiungthưnhiềunhấtViệthị tẩm là gì Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, chia sẻ tạiHội nghị khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29, tối 1/12, thêm rằng trong nhóm ung thư tiêu hóa thì ung thư gan - mật - tụy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Trong đó, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, trở thành bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.000, cướp đi sinh mạng hơn 25.000 người, theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế.
Ung thư dạ dày đứng thứ 4 với khoảng gần 18.000 ca mắc mới, gần 15.000 người tử vong. Ung thư đại trực tràng mỗi năm ghi nhận gần 16.000 người mắc và hơn 8.000 người chết vì căn bệnh này.
Theo giáo sư Bàng, bệnh lý tiêu hóa phổ biến trên thế giới, cả ở các nước phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam, bệnh lý này chiếm tỷ lệ cao trong nhóm bệnh nội khoa và ngoại khoa, với triệu chứng đa dạng, phong phú, tiến triển âm thầm, nhưng diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng nặng nề.
"Đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan mật tụy, ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa", giáo sư nói.
Người đứng đầu Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam cho rằng những con số này đòi hỏi cần đầu tư nghiên cứu về bệnh đường tiêu hóa để góp phần chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả, giảm gánh nặng bệnh tật.
Ung thư đường tiêu hóa thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng mờ nhạt, mơ hồ, không điển hình như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi... nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. Hiện nay, với công nghệ nội soi, các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại, ung thư đường tiêu hóa có thể phát hiện, chữa khỏi ở giai đoạn sớm.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư đường tiêu hóa như gene di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống, chế độ ăn uống... Trong đó, thói quen gây bệnh hàng đầu là uống rượu thường xuyên gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ít rau, ăn thực phẩm muối mặn lâu ngày như cà, dưa muối, ăn thực phẩm cháy sém, thịt nướng, đồ ăn quá nóng hay quá lạnh...
Mọi người nên khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao hoặc có các triệu chứng đường tiêu hóa. Người có nguy cơ cao mắc ung thư tiêu hóa là trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người thân bị ung đường tiêu hóa, tiền sử viêm dạ dày, từng phát hiện có khuẩn HP, đại tiện ra máu... Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, không chủ quan.
Bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dầu mỡ và thịt đỏ, hạn chế thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói, nấm mốc và các chất độc hại khác. Không dùng các thực phẩm nghi ngờ bị hỏng hoặc bảo quản quá lâu ngày. Thận trọng khi dùng các sản phẩm nhựa để đựng, che phủ thức ăn; đặc biệt là dùng sản phẩm nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.
Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa bia rượu. Bổ sung nhiều rau quả, thực phẩm giàu chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa như trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, rau xanh, cà tím... Nên nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, tránh căng thẳng, stress kéo dài. Cần duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh các mối nguy hiểm môi trường, tránh hóa chất...
Lê Phương